Tôi không tốt nghiệp đại học, thay vào đó làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận về chống biến đổi khí hậu do chính mình sáng lập từ năm 2008. Sau 5 năm hoạt động, tổ chức chúng tôi chuyển đổi thành một startup công nghệ mang tên Wake It Up, tập trung phát triển các nền tảng dành cho các hoạt động xã hội. Chúng tôi đã khá thành công với nền tảng gây quỹ mang tên Kindmate.net.
Sau đây là chia sẻ của tôi về 3 bài học đắt giá trong khởi nghiệp cho người mới khởi nghiệp.
Khởi nghiệp quá sớm
Khởi nghiệp cần 3 loại vốn: Vốn kiến thức, vốn quan hệ, và vốn xã hội. Khởi nghiệp là một trong những công việc cực kỳ khó khăn, CEO hay Founder là những công việc đòi hỏi kiến thức đa dạng, bản lĩnh kiên cường. Thêm vào đó, nếu không có hiểu biết trong lĩnh vực mình gia nhập, bạn sẽ có rất ít lợi thế cạnh tranh. Các nhà sáng lập cũng cần có quan hệ xã hội rộng rãi, vì những khách hàng và cả đồng nghiệp đầu tiên phần lớn đều là những người quen biết. Và cuối cùng, bạn sẽ nhận ra, tiền không bao giờ là đủ đối với một công ty khởi nghiệp.
Khi bạn còn quá trẻ, rất ít nhà sáng lập có thể hội tụ đủ cả 3 yếu tố này, vì thế bạn cần tìm được các co-founder có các loại vốn bù đắp được với bạn. Mà để tìm được các co-founder tốt thì cũng tốn thời gian, công sức và cả sự may mắn nữa.

Bạn quan tâm đến khởi nghiệp? Sở hữu ngay Bộ Cẩm Nang Quản Trị Doanh Nghiệp SMART CEO 4.0 để khởi nghiệp kinh doanh thành công!
Lời khuyên của tôi là trừ khi bạn có tiền và muốn đổi tiền lấy kinh nghiệm, thì hãy tích lũy vốn bằng việc gia nhập một công ty hay startup nào đó trước khi tự mở startup của riêng mình.
Quá chú tâm vào các chức năng mà founder thích
Tại Wake It Up, chúng tôi đã phải trả giá cho sai lầm này bằng việc ngốn cả tỷ đồng và suốt một năm trời phát triển sản phẩm cho đến khi nhận ra khách hàng chỉ sử dụng duy nhất một chức năng trong số cả chục tính năng mà chúng tôi phát triển.
Có một xu hướng phổ biến là các founder thường quá tự tin với hiểu biết của bạn thân về thế nào là một sản phẩm tốt. Thông thường, các startup sẽ thiết kế ra một sản phẩm phù hợp với kỳ vọng của nhà sáng lập hơn là khách hàng. Kể cả khi đội ngũ sáng lập đồng thời cũng là người dùng của sản phẩm, điều này vẫn thường dẫn đến các sản phẩm thất bại.
Các founder thường không để ý rằng, việc họ dành toàn bộ thời gian và tâm trí của mình vào việc phát triển sản phẩm đã khiến cho họ trở nên khác biệt và không thể lấy bản thân làm tiêu chí đánh giá được nữa. Các nhà sáng lập giỏi thường có sức sáng tạo, tầm nhìn và khả năng dẫn dắt xu hướng, tuy nhiên bạn cần thường xuyên lắng nghe sự phản hồi của thị trường với những gì mình làm ra.
Có một khái niệm trong phát triển sản phẩm gọi là “overfitting”, khi đội ngũ phát triển sản phẩm theo kiểu “đo ni đóng giày” . Kết quả là sản phẩm cực kỳ phù hợp khi người sử dụng là đội ngũ sáng lập, nhưng lại không hẳn được đón nhận ở thị trường đại chúng.
Hãy ý thức rằng mỗi chức năng đều chỉ là các giả thiết, liệu người dùng có thực sự cần chức năng này? Bao nhiêu phần trăm người dùng của bạn thực sự sử dụng chức năng đó? Nếu thiếu chức năng đó, bao nhiêu phần trăm người dùng sẽ rời bỏ sản phẩm?
Burn tiền quá nhanh
Khi mới bắt đầu khởi nghiệp, các founder thường khá hào hứng với việc tuyển dụng, thuê văn phòng, phát triển sản phẩm. Thậm chí nhiều founder nhanh chóng chi tiền cho việc xây dựng website, bộ nhận diện thương hiệu v.v.
Khởi nghiệp là một con đường đầy rủi ro và bất trắc, trong khi các startup thường chỉ có một nguồn tài nguyên rất hạn hẹp. Điều này cũng giống như khi bạn đi vào sa mạc mà chỉ có một lượng nước ít ỏi vậy.
Nếu bạn uống hết nước trước khi kịp tìm ra một ốc đảo để tiếp sức, bạn sẽ chết. Chiến thuật ở đây là bạn cần bắt đầu hành trình một cách gọn nhẹ, tập trung nguồn lực để tìm kiếm được một hướng đi đúng đắn, trước khi dồn lực chạy theo con đường đó.
Vào thời điểm ban đầu, bạn không thực sự cần toàn bộ đội ngũ của mình phải fulltime. Mô hình tinh gọn khuyên rằng bạn có thể đi rất xa chỉ với 3 người: Marketing, phát triển sản phẩm, và thiết kế. Không nên lãng phí tiền mặt của bạn vào việc tuyển dụng chuyên viên HR, kế toán hay đầu tư cho văn phòng hoành tráng. Giống như đừng cố gắng uống hết nước trước khi bạn nhìn thấy nguồn nước, hãy đảm bảo là bạn còn tiền mặt để duy trì cho 6 tháng tới (hoặc hơn) cho đến khi bạn có lợi nhuận.
Hãy tận dụng tối đa các phần mềm miễn phí như Slack, Airtable, Facebook Workplace v.v. hết sức có thể trước khi bỏ tiền ra mua. Ngồi tại các quán cà phê hay mở văn phòng tại nhà trước khi đầu tư vào Co-working space hoặc văn phòng riêng.
Hãy nhớ, mục tiêu lớn nhất của việc chi tiền là để giúp bạn tìm ra dòng tiền mới trước khi tiêu hết số tiền hiện tại.
Lời khuyên
Khởi nghiệp không bao giờ là dễ dàng. Rào cản lớn nhất đối với những người khởi nghiệp lần đầu là việc thiếu kinh nghiệm trong việc phân bổ nguồn lực của mình. Hãy tập trung vào những điều quan trọng, và làm chúng từng bước một.
Ở mỗi thời điểm, một startup luôn có những thứ cần ưu tiên hơn những điều khác. Và hãy cố gắng nhớ rằng, với startup, mọi thứ đều là giả thiết, bao gồm cả các chức năng của sản phẩm. Hãy ra quyết định cẩn trọng, bắt đầu từ một sản phẩm đơn giản và sau đó đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu và bằng chứng.
Tác giả: Hoàng Đức Minh
